Đầu quân cho Trương Lỗ Mã Siêu

Trương Lỗ nhận thấy Mã Siêu là viên tướng tài năng, uy danh lừng lẫy, có thể tận dụng ông cùng với bộ hạ cũ để tăng cường tiềm lực quốc phòng của mình nên đã dung nạp Mã Siêu, bổ nhiệm ông làm Đô giảng Tế tửu.[19]

Không những vậy, Trương Lỗ rất yêu mến Mã Siêu, có ý muốn gả con gái của ông cho Mã Siêu. Nhưng việc Trương Lỗ quá ưu ái Mã Siêu khiến một số cựu thần của ông bất mãn, ganh ghét. Có người[21] khuyên can Trương Lỗ rằng: "Người chẳng biết yêu người thân thích, sao có thể yêu mến người khác được?". Vì sợ mất lòng những bề tôi cũ đành phải hủy bỏ cuộc hôn nhân này đồng thời thay đổi thái độ đối với Mã Siêu, không trọng dụng ông, chỉ cho đóng quân ở ngoài biên ải. Tam Quốc chí chép rằng: "Lỗ chẳng biết xét việc, không dùng Siêu, cho ở ngoài".

Về phía Mã Siêu, khi đầu quân cho Trương Lỗ và được trọng dụng, Mã Siêu đã nhiều lần gặp Trương Lỗ để xin hỗ trợ binh sĩ để ông dẫn quân bắc tiến lấy lại Lương Châu. Vì nhiều lần Mã Siêu yêu cầu nên Trương Lỗ đất đắc dĩ phải cấp binh lính cho ông ta nhưng việc tấn công phía Bắc của Mã Siêu không được việc.[2] Sử sách không chép cụ thể một cuộc hành binh nào của Mã Siêu trong giai đoạn này, có thể thấy việc Trương Lỗ chấp nhận yêu cầu của Mã Siêu chỉ đơn thuần là đồng ý về mặt chủ trương vì cả nể, trong quá trình triển khai thực hiện thì không khả thi.

Bất mãn

Mã Siêu lúc này rơi vào tình thế bất đắc chí, bị thất sủng và bị cô lập, gia đình hiu quạnh, thuộc hạ thân tín quá ít ỏi. Tình cảnh của ông trong giai đoạn này thật khó khăn, trái ngược với danh tiếng và tham vọng của ông.

Tam Quốc chí dẫn lại ghi chép của Điển Lược cho biết: Khi trước, lúc Mã Siêu chưa khởi binh chống lại triều đình (nguyên văn chép là làm phản), vợ lẽ của Siêu là Đệ Chủng (đoạn sau lại chép là Đổng) ở lại Tam Phụ[22] đến khi Mã Siêu thua trận, Chủng cùng với con trai là Mã Thu chạy vào Hán Trung trước. Vào ngày Mùng một Tết Nguyên đán, Đệ Chủng (hay Đổng) theo tục lệ chúc thọ Mã Siêu. Mã Siêu phẫn uất đấm ngực đến thổ huyết và than rằng:[2]

Nhà ta trăm nhân khẩu, một sớm chết cả, nay chỉ có hai ta chúc nhau như vậy sao?

Trong thời gian ở dưới trướng Trương Lỗ, Mã Siêu nhận thấy Trương Lỗ "chẳng thể cùng bàn tính việc" cho nên Mã Siêu ôm nỗi buồn bực, thêm vào đó kế hoạch Bắc tiến phục hận không triển khai được, ngoài ra viên tướng thân tín của Trương Lỗ là Dương Bách hiềm tỵ, ganh ghét muốn hãm hại người tài, nhiều lần xàm tấu về Mã Siêu chính vì vậy, khi nghe tin Lưu Bị vào Xuyên, hiện đang vây đánh Lưu Chương ở Thành Đô, ông lập tức bí mật gửi thư xin hàng Lưu Bị để về đầu quân cho ông này.

Bỏ vợ con, trốn theo Lưu Bị

Lưu Bị vị minh chủ của Mã Siêu

Lưu Bị nhận được mật thư xin quy phục của Mã Siêu lập tức cử Lý Khôi đến Hán Trung truyền đạt ý định của Lưu Bị và bàn định chi tiết với Mã Siêu. Mã Siêu nhận lệnh của Lưu Bị và lên kế hoạch bỏ Trương Lỗ về với Lưu Bị. Tam Quốc chí chép: "Tiên chủ sai Khôi tới Hán Trung giao hảo với Mã Siêu, Siêu bèn vâng lệnh".[23]

Năm Kiến an thứ mười chín, Mã Siêu theo lối Vũ Đô chạy vào khu vực sinh sống của rợ Đê để tạm trú sau đó bỏ sang đất Thục theo về với Lưu Bị.[2] Tuy vậy, vợ con của Mã Siêu không thể theo ông trốn sang Thục mà vẫn phải lưu lại Hán Trung sống nhờ vào chu cấp của Trương Lỗ.

Đánh giá và bình luận

Sự kiện Mã Siêu bỏ Trương Lỗ sang đầu quân cho Lưu Bị được một số nhà nghiên cứu cho rằng:[24] Năng lực dùng người của Trương Lỗ còn nhiều hạn chế chính vì thế mới không thể sử dụng được Mã Siêu, ông ta chưa nhận thức được trong thuật dùng người thì "Ngàn quân dễ kiếm, một tướng khó tìm" mà Mã Siêu là một hổ tướng trong thiên hạ, danh bất hư truyền, nay đã đến dưới trướng của Trương Lỗ nhưng ông ta không biết cách trọng dụng, điều đó gây bất mãn cho Mã Siêu và sớm muộn gì thì Mã Siêu cũng sẽ rời bỏ Trương Lỗ.

Ngoài ra, trong thuật dùng người cần chú trọng đến nguyên tắc "đã dùng thì không nghi, đã nghi thì không dùng". Khi Mã Siêu về với Trương Lỗ, ông ta hoàn toàn vui mừng, tin tưởng Mã Siêu, có ý định trọng dụng ông, đã phong cho ông chức Đô giảng Tế tửu, chu cấp cho gia đình Mã Siêu, cho ông chỉ huy quân Bắc phạt và còn định gả con gái của mình cho Mã Siêu. Nhưng sau đó vì nghe lời xàm tấu của những nịnh thần ghen ghét hiền tài, nên ông ta không còn tin tưởng Mã Siêu.

Chính vì vậy, dù đã giao trọng trách cho Mã Siêu mà Trương Lỗ vẫn không hoàn toàn tin tưởng, lại nghe lời xàm tấu điều đó chứng tỏ Trương Lỗ không biết dùng người. Chính sự nghi kỵ của Trương Lỗ đã đẩy Mã Siêu về phía Lưu Bị và ông ta chỉ việc giơ tay đón lấy viên hổ tướng này.

Sự kiện Mã Siêu đầu quân cho Lưu Bị được sử sách và các nhà nghiên cứu đánh giá đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời binh nghiệp của Mã Siêu. Tam Quốc chí nhận định rằng Mã Siêu đã "ngược đường về với đức, gởi gấm vào phượng, nương tựa vào rồng".[25]

Trong Tam Quốc diễn nghĩa cũng hư cấu lời bộc bạch của ông:[26]

Nay mới gặp được minh chúa, ví cũng như quét đám mây mù mà trông thấy trời xanh.

Các nhà nghiên cứu cũng đồng ý với ghi nhận này, đồng thời khẳng định thêm Mã Siêu đã không phụ tấm lòng trông đợi của Lưu Bị, ngoài trận mạc lập được nhiều chiến công hiển hách[24] và được Lưu Bị trọng dụng, tấn phong nhiều chức tước.